Custom Search
Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Bảy kỳ quan của Thế giới mới - Khoa học vui

Bảy kỳ quan thế giới mới là một cuộc bình chọn qua mạng lưới toàn cầu để tìm ra bảy tuyệt tác kiến trúc nghệ thuật khác bên cạnh Bảy kỳ quan thế giới cổ đại của văn minh nhân loại.
Sự kiện nói trên không phải do Tổ chức văn hóa, giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) tổ chức và tất nhiên kết quả 7 kỳ quan thế giới mới cũng không được tổ chức này công nhận.

Tuy nhiên, nhờ có sự quảng bá tốt vượt trội nên chương trình bình chọn của New7wonder đã có tiếng vang trên toàn thế giới, quy mô bình chọn vượt hơn hẳn các chương trình khác. Liên Hiệp Quốc cũng đánh giá cao cuộc bầu chọn bảy kỳ quan thế giới mới, bởi nó phù hợp với Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Hội đồng giám khảo quốc tế đã được thành lập do tiến sĩ Federico Mayor Zaragoza, cựu Tổng Giám đốc UNESCO (Cơ quan Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc) làm chủ tịch. NOWC đã chọn ra 21 công trình trong danh sách các di sản thế giới để chính thức chọn ra bảy kỳ quan thế giới mới.

Danh sách chính thức của Bảy kỳ quan thế giới mới đã được công bố vào thứ 7, ngày 7 tháng 7 năm 2007 tại sân vận động Benfica, Bồ Đào Nha. Theo bầu chọn trên mạng tại địa chỉ www.new7wonders.com lẫn tin nhắn điện thoại, ban tổ chức New7Wonders - một tổ chức phi lợi nhuận đã công bố kết quả 7 kỳ quan thế giới mới như sau:

1. Tượng Chúa Cứu thế (Brazil)
2. Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc)
3. Đấu trường La Mã (Ý)
4. Đền Taj Mahal (Ấn Độ)
5. Thành phố cổ Petra (Jordan)
6. Pháo đài Machu Picchu (Peru)
7. Khu di tích Chichen Itza (Mexico)

Bức tượng Chúa cứu thế, một trong bảy kỳ quan mới của Thế giới

1. Bức tượng Chúa Cứu thế.

Cao 38m đứng trên đỉnh núi Corcovado tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil. Tượng được dựng năm 1931 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Brazil độc lập. Tượng cao 30m đứng trên bệ 7m. Đầu tượng nặng 35,6 tấn, cao 3,7m. Mỗi cánh tay tượng nặng 9,1 tấn; khoảng cách giữa hai đầu ngón tay của bàn tay trái và phải là 23m.

Đây là tượng Chúa Jesus nổi tiếng nhất và cũng là công trình theo kiến trúc Art Deco lớn nhất trên thế giới. Với vòng tay dang rộng như muốn ôm lấy toàn thành phố Rio de Janeiro, bức tượng đã trở thành một biểu tượng hòa bình và lòng hiếu khách của người dân Brazil.

2. Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc).


Vạn Lý trường Thành
Vạn Lý Trường Thành công trình nhân tạo dài nhất Thế giới

Kỳ quan thế giới mới này nằm dọc theo biên giới phía Bắc của Trung Quốc qua rất nhiều thế kỷ nhằm ngăn chặn sự xâm lược của quân Mông Cổ. Được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ 5 TCN đến thế kỷ thứ XVI, Vạn Lý Trường Thành là công trình nhân tạo dài nhất thế giới, trải dài 6.400km.

Phần nổi tiếng nhất có thể kể đến ở Vạn Lý Trường Thành là phần tường thành do Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc - Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây vào khoảng năm 200 TCN. Người Trung Quốc có câu nói nổi tiếng: "Nếu chưa đi Vạn Lý Trường Thành thì không phải là một người đàn ông thực thụ".

3. Đấu trường Colosseum hay được biết đến với tên gọi Đấu trường La Mã.


Đấu trường La Mã
Đấu trường La Mã- kỳ quan mới của Thế giới

Được xây dựng tại thành phố Roma của Ý từ khoảng năm 70 và 72 dưới sự trị vì của Hoàng đế Vespasian.
Với chiều cao lên đến 50m, dài 189m, rộng 156m và 3 tầng ghế ngồi, đấu trường này đã có lần đón nhận 50.000 khán giả đến xem các trận đấu đẫm máu của đấu sĩ xưa. Đấu trường Colosseum được coi là một trong những biểu tượng của Đế chế La Mã và là một trong những mẫu kiến trúc La Mã đẹp nhất còn sót lại.

4. Đền Taj Mahal ở Agra (Ấn Độ).


Đền Tạ Mahal
Đền Tạ Mahal ở Agra (Ấn Độ)

Là lăng mộ hoành tráng được xây dựng bởi Hoàng đế Mughal Shah Jahan để tưởng nhớ người vợ quá cố thân yêu của mình - Mumtaz Mahal. Công trình bắt đầu được xây dựng năm 1632 và mất khoảng 15 năm để hoàn thành.

Taj Mahal là tổng hợp các yếu tố của phong cách kiến trúc Ba Tư, Thỗ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Hồi Giáo. Lăng mộ lộng lẫy với mái vòm đặt trong khu vườn có tường bao quanh được coi là ví dụ tiêu biểu của nghệ thuật và kiến trúc Mughal.

Đền Taj Mahal bao gồm 4 tháp, mỗi tháp cao hơn 13 tầng. Sau khi bị lật đổ ngai vàng, nhà vua đã dành những ngày còn lại của cuộc đời chỉ để nhìn về Taj Mahal từ một ô cửa sổ.

5. Thành phố cổ Petra (Jordan).


Thành phố cổ Petra (Jordan)
Thành phố cổ Petra một trong những tài sản quý giá của nhân loại

Nằm ở rìa sa mạc Ả Rập, Petra là thủ đô của vương quốc Nabataeans. Petra nổi tiếng với những cấu trúc bằng đá, đặc biệt là ngôi đền cao 42m được chạm khắc mặt tiền cổ điển bằng đá màu hồng.

Thành phố cổ xây dựng các đường hầm, bể chứa nước và một giảng đường với sức chứa 4.000 người. Khu di tích này được mô tả là một trong những tài sản văn hóa quý giá của nhân loại.

6. Pháo đài Machu Picchu (Peru)


Pháo đài Machu Picchu
Pháo đài Macchu Picchu (Peru)

Là một khu định cư trên núi được xây dựng vào thế kỷ XV ở khu vực Amazon của Peru. Thành phố đổ nát này là một trong những tàn tích nổi tiếng nhất của nền văn minh Inca, phát triển mạnh mẽ trong khu vực dãy núi Andes ở phía Tây Nam Mỹ.

Dù đã bị lãng quên từ nhiều thế kỷ, Machu Picchu đã trở lại và thu hút sự chú ý của thế giới nhờ công của nhà khảo cổ Hiram Bingham vào năm 1911. Năm 1983 địa điểm này đã trở thành Di sản Thế giới do UNESCO bầu chọn.

7. Khu di tích Chichen Itza (Mexico).


Khu di tích Chichen Itza (Mexico)
Khu di tích Chichen Itza (Mexico)

Là một địa điểm khảo cổ thời tiền Colombo, do nền văn minh Maya xây dựng và nằm ở trung tâm phía Bắc Bán đảo Yucatan (Mexico). Địa điểm này chứa đựng vô số phong cách kiến trúc lớn, khác nhau như El Castillo (đền thờ của Kukulkan) và đền thờ của Warriors.

Chichen Itza được xây dựng bởi một bộ tộc người Maya là Itzáes trong thế kỷ thứ IX và phát triển thành một thủ đô trong khu vực cho đến thế kỷ thứ XII. Hiện tại, nguồn gốc thực sự của người Itza vẫn còn là một bí ẩn.







Nhạc Không Lời Hay Nhất - Nhạc Không Lời Chọn Lọc