Custom Search
Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Việt Nam có bao nhiêu di sản thế giới?

Hiện tại, Việt Nam đã có 8 di tích được UNESCO công nhận là Di sản thế giới trong đó có:
02 Di sản thiên nhiên thế giới
05 Di sản văn hóa thế giới
01 Di sản thế giới hỗn hợp

Di sản thiên nhiên thế giới bao gồm:

1. Vịnh Hạ Long

Được Unesco công nhận hai lần vào năm 1994 và năm 2000
Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Hạ Long như một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ vô cùng sống động. Ði giữa Hạ Long, ta ngỡ như lạc vào một thế giới cổ tích bị hoá đá, đảo thì giống hình một người đang đứng hướng về đất liền (hòn Ðầu Người), đảo thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước (hòn Rồng), đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá (hòn Ông Lã Vọng)....Tất cả trông rất thực.
Vịnh Hạ Long
Vịnh hạ Long - Một trong 8 di sản thiên nhiên thế giới

Đó là những tác phẩm tạo hình tuyệt mỹ, tài hoa của tạo hoá, của thiên nhiên biến hàng ngàn đảo đá vô tri tĩnh lặng kia trở nên những tác phẩm điêu khắc, hội họa hoàn mỹ với muôn hình dáng vẻ yêu kiều, vừa rất quen thuộc vừa như xa lạ với con người.

Hình dáng những đảo đá diệu kỳ ấy biến hoá khôn lường theo góc độ ánh sáng trong ngày và theo góc nhìn. Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp như động Thiên Cung, hang Ðầu Gỗ, động Sửng Sốt, động Tam Cung...

Vịnh Hạ Long nằm trong Vịnh Bắc Bộ là một quần thể gồm hơn 1.600 đảo lớn nhỏ, tạo nên một phong cảnh tuyệt đẹp giữa biển với những cột đá vôi nhô lên. Hầu hết những hòn đảo đều không có người và không có sự tác động của con người do đặc tính dốc của chúng. Ngoài vẻ đẹp kỳ diệu, vịnh Hạ Long còn sở hữu hệ sinh thái đặc sắc.

Năm 1962, vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa-Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia với diện tích 1553 km² bao gồm 1969 hòn đảo
Ngày 17 tháng 12 năm 1994, Ủy ban Di sản Thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mĩ theo tiêu chuẩn của Công ước Quốc tế về bảo vệ Di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới
Ngày 2 tháng 12 năm 2000, Hội đồng Di sản Thế giới tại thành phố Cairns, Queensland, Úc, Hội đồng Di sản Thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long là di sản thế giới lần thứ 2 theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất với hai giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử địa chất và địa mạo caxtơ.
"là ví dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn của lịch sử Trái Đất, bao gồm bằng chứng sự sống, các tiến triển địa chất đáng kể đang diễn ra trong quá trình diễn biến của các kiến tạo địa chất hay các đặc điểm địa chất và địa văn"

2. Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Được Unesco công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003
"Là ví dụ nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn", và "sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học".
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ẩn chứa nhiều bí ẩn của tự nhiên

Được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị đặc biệt và mang ý nghĩa toàn cầu bởi cấu trúc địa lý phức tạp, cùng lịch sử hình thành từ hàng trăm triệu năm trước. Trải qua các giai đoạn kiến tạo quan trọng, cùng các chuyển động đứt gãy, phối tảng, uốn nếp đã tạo ra các dãy núi trùng điệp và các bồn trầm tích sụt lún, từ đó hình thành nên sự đa dạng về địa chất, địa mạo cho nơi đây.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc địa phận các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) với diện tích khoảng 200.000 ha. Có chung đường biên giới với Khu bảo tồn thiên nhiên Hin Namno của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Vườn quốc gia bao gồm các cao nguyên đá vôi và rừng nhiệt đới. Bao gồm các đa dạng địa lý tuyệt vời, nhiều hang động và sông ngầm, vườn quốc gia có một hệ sinh thái phong phú cùng nhiều loài sinh vật đa dạng.

Di sản thế giới lần 1: Tiêu chí địa chất, địa mạo

Tại kỳ họp toàn thể lần thứ 27 từ 30 tháng 6 đến 5 tháng 7 năm 2003, đại diện 160 quốc gia thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, cùng với 30 địa danh khác trên toàn thế giới, là di sản thiên nhiên thế giới.
"là ví dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn của lịch sử Trái Đất, bao gồm bằng chứng sự sống, các tiến triển địa chất đang diễn ra đáng kể đang diễn ra trong quá trình diễn biến của các kiến tạo địa chất hay các đặc điểm địa chất và địa văn"

Di sản thế giới lần 2: tiêu chí đa dạng sinh học

Vườn quốc gia Phong Nha đã được UNESCO công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái vào ngày 3 tháng 7 năm 2015.

Di sản văn hóa thế giới gồm:

1. Quần thể di tích Cố đô Huế

Được Unesco công nhận là di sản thế giới vào ngày 11 tháng 12 năm 1993
Đây là quần thể di tích tiêu biểu cho những thành tựu về kiến trúc, điêu khắc, thẩm mỹ và sức lao động sáng tạo của con người Việt Nam trong suốt một thời gian dài, đặc biệt là trong nghệ thuật và kiến trúc, quy hoạch thành phố và bài trí cảnh quan, được đánh giá như một “kiệt tác đô thị, một điển hình nổi bật của một Kinh đô phong kiến Phương Đông”.
Cố đô Huế
Quần thể di tích Cố đô Huế, một kiệt tác đô thị

Quần thể di tích Cố đô Huế nằm dọc hai bên bờ sông Hương thuộc thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Thành phố Huế là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của tỉnh, là cố đô của Việt Nam thời phong kiến dưới triều nhà Nguyễn, từ 1802 đến 1945.
Quần thể di tích Cố đô Huế có thể phân chia thành các cụm công trình gồm các cụm công trình ngoài Kinh thành Huế và trong kinh thành Huế.

Nổi bật trong quần thể di tích cố đô Huế là ba tòa thành: Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành được bố trí đăng đối xuyên suốt trên một trục nam - bắc. Hệ thống thành quách, cung điện ở đây có sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa kiến trúc phương Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh...
Hiện tại, cố đô Huế đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 62 di tích quốc gia đặc biệtquan trọng.

2. Phố Cổ Hội An

Được Unesco công nhận là di sản thế giới vào năm 1999.
Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ..Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Phố cổ Hội An
Phố cổ Hội An với 1.360 di tích, danh thắng
Hội An là một thị xã cổ của người Việt, nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam. Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới.

Phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ ... những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính như một bức tranh sống động. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới.

3. Thánh địa Mỹ Sơn

Được Unesco công nhận là di sản thế giới vào năm 1999.
Người Chămpa cổ đã gửi tâm linh vào đất đá; và đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ - thâm nghiêm - hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu chúng ta mới hiểu hết”
Thánh địa Mỹ Sơn
Thánh địa Mỹ Sơn với những kiến trúc nghệ thuật điêu khắc, tinh xảo

Nằm trong một thung lũng có đường kính khoảng 2km thuộc địa bàn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam
Nơi đây, với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII)
Được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam á như Ăngko, Pagan, Bôrôbudua. Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chămpa do Vua Bhadravarman cho xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 4 để thờ thần Siva.

4. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Được Unesco công nhận là di sản thế giới vào ngày 01/08/2010
Mang trong mình những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa trong suốt chiều dài hơn 1000 năm, Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long xứng đáng được tôn vinh là Di sản văn hóa thế giới. Đó không chỉ là niềm tự hào của người dân Thủ đô mà còn là niềm tự hào của tất cả những ai đang mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.
Trung tâm Hoàng thành Thăng Long
Trung tâm Hoàng thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

Có tổng diện tích 18,395 ha, bao gồm: khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, điện Kính Thiên, nhà D67, Hậu Lâu, Bắc Môn. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.

Hoàng thành Thăng Long được xây dựng vào thế kỷ 11 dưới triều nhà Lýở Việt Nam, đánh dấu nền độc lập của Đại Việt. Được xây dựng trên tàn tích của một pháo đài Trung Quốc vào thế kỷ 7, nơi đây là trung tâm chính trị và quyền lực của Đại Việt trong suốt 13 thế kỷ. Ngày nay, Hoàng thành cùng khu khảo cổ số 18 Hoàng Diệu phản ánh nền văn hóa Đông Nam Á đặc sắc nơi Đồng bằng Sông Cửu Long, cửa ngõ thông thương giữa Trung Hoa cổ đại và Vương quốc cổ Champa

5. Thành nhà Hồ

Được Unesco công nhận là di sản thế giới vào năm 2011
Một di sản văn hóa độc đáo trường tồn cùng thời gian Thành Nhà Hồ - một công trình kiến trúc quân sự thuộc hàng kỳ vĩ nhất, đặc sắc nhất bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam và Khu vực trong thời kỳ cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV
Thành Nhà Hồ
Thành nhà Hồ công trình kiến trúc độc đáo bằng đá

Được xây dựng bằng những phiến đá dài trung bình 1,5 m, có tấm tới 6 m, xếp chồng lên nhau mà không cần chất kết dính, hơn 600 năm qua, hệ thống tường bao quanh thành nhà Hồ vẫn còn khá nguyên vẹn.
Thành nhà Hồ là tòa thành bằng đá độc đáo nằm giữa vùng đồng bằng lưu vực sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa phận các xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Ninh, Vĩnh Khang, Vĩnh Thành và thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc), tỉnh Thanh Hóa. Đây là kinh thành của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407 được Hồ Quý Ly cho xây vào mùa xuân năm 1397, còn gọi là Tây Đô (hay Tây Giai) .

Từ bên ngoài, có thể thấy toàn bộ các bức tường của tòa thành được xây bằng các khối đá khổng lồ có hình khối chữ nhật hoặc gần vuông, xếp không trùng mạch theo hình chữ Công "I". Trên thực tế, tường thành được cấu tạo bởi ba lớp gắn kết chặt chẽ với nhau bằng một kỹ thuật xây dựng đặc biệt.

Thành Nhà Hồ được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít còn lại trên thế giới. Đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, cảnh quan và quy mô kiến trúc còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Di sản thế giới hỗn hợp

Non nước Tràng An

Được Unesco công nhận là di sản thế giới kép vào năm 2014
Một quần thể đồi núi trùng điệp tiếp nối nhau in bóng trên nền sông xanh màu ngọc bích uốn lượn, những hang động, thung lũng còn giữ trọn vẻ hoang sơ, kỳ bí, những đền đài cổ kính, uy nghiêm… Đến với Tràng An, du khách sẽ được say mình trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, khám phá cội nguồn của sự sống nhân loại thưở ban sơ.
Tràng An
Quần thể danh thắng Tràng An

Khu du lịch sinh thái Tràng An - nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình - có diện tích 2168 ha
Quần thể danh thắng Tràng An là một di sản thiên nhiên thế giới, một di sản văn hóa thế giới.
Quần thể này bao gồm khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư... Liên kết giữa các khu du lịch này là khu rừng đặc dụng và những thung lũng, sông ngòi uốn lượn, hòa quyện vào nhau.

Đây là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. Với diện tích 6.172 ha nằm ở khu vực ranh giới giữa huyện Hoa Lư với các huyện Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình, quần thể danh thắng Tràng An bao gồm các khu vực liền kề nhau là di tích cố đô Hoa Lư, quần thể hang động Tràng An, khu danh thắng Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.
Đến Tràng An, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi hiện ra trước mắt là bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình với hệ thống núi đá vôi và hang động tự nhiên đa dạng. Được ví như “Hạ Long trên cạn”, quần thể danh thắng Tràng An hấp dẫn bởi hệ thống động xuyên thủy nối liền các thung ngập nước như một trận đồ bát quái vừa kỳ ảo vừa biến hóa khôn lường.

Nhạc Không Lời Hay Nhất - Nhạc Không Lời Chọn Lọc